21/02/2017

ĐÀ NẴNG CẤM GRABCAR LÀ HẸP HÒI

Trung Bảo
Lãnh đạo Đà Nẵng đang chứng minh họ muốn thành phố của mình có quyền tự quyết trong một số vấn đề, chí ít là với chuyện đi ngược lại chủ trương của Bộ GTVT đối với việc thí điểm Grabcar.
Các hãng taxi truyền thống một ngày nọ bỗng nhận ra họ đang đại diện cho một phương thức kinh doanh lạc hậu khi xuất hiện Uber, Grabcar. Khách hàng nhận ra rằng họ có thêm sự lựa chọn tốt với xe đời mới, thái độ phục vụ lịch sự, và quan trọng nhất là giá cước được tính rõ ràng, rẻ hơn taxi truyền thống. Những người có xe nhàn rỗi cũng có thêm thu nhập mà không cần phải đầu tư nhiều.
Uber hay Grabcar là minh hoạ cho một mô hình kinh tế mới mẻ: Kinh tế chia sẻ.

 Mô hình kinh tế này không đòi hỏi một người phải bỏ quá nhiều nguồn lực tài chính để có thể tham gia mạng lưới kinh doanh. Người ta đặt tính chia sẻ làm trọng tâm cho loại hình kinh tế này chứ không phải sự sở hữu. Đặc tính quan trọng của loại hình kinh tế này đó là gắn liền với sự phát triển của internet, điện thoại thông minh và mạng xã hội. Có thể kể ra những sản phẩm nổi tiếng như: Uber, Airbnb, TripAdvisor, Eat With Me, Wework...
Nói vậy để thấy việc không thể cưỡng lại được xu thế của cuộc sống khi ngày càng nhiều sản phẩm như vậy xuất hiện, đem đến sự tiện ích lẫn tiện lợi cho người tiêu dùng. Tôi sẽ book xe Uber hoặc Grabcar để đi, vào Btaskee để tìm người giúp việc nhà, đặt phòng ở khi đi du lịch qua Airbnb... Tất cả đều nhanh, rẻ hơn, và, quan trọng nhất, an tâm về chất lượng - giá cả so với việc trực tiếp tìm kiếm giao dịch như trước đây.
Mặc cho những tiện ích và xu thế không thể cưỡng lại như vậy. Chính quyền Đà Nẵng vẫn quyết định cấm cửa Grabcar, dù loại hình này đã được Bộ GTVT cho phép thí điểm. Thậm chí, sẽ có "mật phục" để bắt Grabcar. Nghe phát kinh, cứ ngỡ đây là hoạt động phi pháp. Lý do chính đưa ra đó là lo sợ loại hình này sẽ "cạnh tranh trực tiếp với loại hình xe taxi đang được cấp phép hoạt động theo quy hoạch của thành phố là 1.700 xe". Một công văn của chính quyền Đà Nẵng tỏ ra lo lắng loại hình này sẽ "làm vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới taxi đã được UBND TP phê duyệt, gây nên kẹt xe, ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên địa bàn. Trong khi đó tình hình nhu cầu vận tải hành khách đang hoạt động ổn định".
Sự cạnh tranh ở đâu, đặc biệt trong kinh tế, đều mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Một chính quyền mạnh là một chính quyền đảm bảo mọi sự cạnh tranh công bằng, phù hợp pháp luật mà xã hội vẫn hoạt động bình thường. Nếu lo sợ sự xuất hiện loại hình vận tải mới này gây kẹt xe thì cũng nên cấm hết mọi việc kinh doanh mua bán từ xe máy cho đến xe hơi của các doanh nghiệp. Sau đó tiến tới cấm hẳn những người mới lấy bằng lái "nằm ngoài quy hoạch" được phép lái xe để không tăng lượng xe lưu thông trên đường.
Lệnh cấm này càng chứng tỏ Việt Nam không hề có kinh tế thị trường ngược lại những nỗ lực chứng minh điều này của chính phủ khi tham gia vào các định chế kinh tế quốc tế. Đồng thời, chứng minh rằng có những người dù sống trong một thời đại mọi thứ tiến lên quá nhanh thì họ vẫn giữ thói quen hẹp hòi, sợ quản không nổi nên cấm. Điều này thể hiện ngay trong việc Bộ GTVT cho phép Grabcar nhưng vẫn cấm Uber.
Với quyết định nói trên của chính quyền ĐN, họ không chỉ ngăn cản việc kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp, ngăn cản quyền mưu sinh của những người có xe hơi, mà còn xâm phạm đến quyền tự do lựa chọn và lợi ích của người khác.
fb Bao Trung Nguyen


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire