26/09/2016

Tuyên bố của Đặc ủy nhân quyền của chính phủ CHLB Đức về án tù đối với Blogger Nguyễn Hữu Vinh & Tuyên bố của Dân biểu Quốc hội Đức ông Martin Patzelt


Đặng Hà chuyển ngữ
 


 
Tuyên bố của Đặc ủy nhân quyền về án tù đối với Blogger Nguyễn Hữu Vinh

23.09.2016

Về phán quyết ngày hôm qua của tòa án phúc thẩm ở Hà nội, giữ nguyên án tù đối với Blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh và nữ cộng sự của ông, hôm nay ngày 23.09. Đặc ủy nhân quyền của chính phủ CHLB Đức, bà Bärbel Kofler đã tuyên bố:



Tôi đã kinh ngạc khi nhận được tin tòa án phúc thẩm ở Hà Nội giữ nguyên bản án tù nặng nề đối với Blogger Nguyễn Hữu Vinh (5 năm tù) và nữ cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy (3 năm tù). Thật đáng tiếc là tình trạng vẫn vậy, ở Việt Nam nhiều công dân bị bắt giam nhiều năm trong tù chỉ vì họ thực thi quyền tự do ngôn luận, mặc dù tự do ngôn luận cũng như tự do báo chí là những quyền cơ bản được bảo đảm trong hiến pháp Việt Nam.

Tôi kêu gọi Việt Nam hãy bãi bỏ những biện pháp trừng phạt ông Nguyễn Hữu Vinh và nữ cộng sự của ông. Bắt giữ, phạt tù và trấn áp không thể là biện pháp của nhà nước đối phó với các Blogger và nhà báo mà họ hay gây khó chịu cho nhà cầm quyền. Điều này không những đúng với hiến pháp Việt Nam mà cũng phù hợp với những cam kết quốc tế trong lãnh vực nhân quyền”.

Bối cảnh:

Ông Nguyễn Hữu Vinh bị bắt giam hồi tháng 5 năm 2014, ông bị kết án 5 năm tù hồi tháng 3 năm 2016 vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, và nữ cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy bị kết án 3 năm tù. Thời gian từ lúc bắt giam cho đến phiên tòa sơ thẩm kéo dài tới 2 năm trời. Theo tường thuật của gia đình và những tổ chức phi chính phủ thì từ tháng 10 năm 2015 vợ ông Vinh không được phép đến thăm chồng, mà ông Vinh cũng không được cho nhận thư từ của gia đình gửi đến.

Ông Vinh là người lập ra những trang Internet mà chủ yếu đăng tổng quát những tin tức thời sự ở Việt Nam. Trong phiên tòa sơ thẩm ông bị cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước bằng cách đưa ra những nội dung xuyên tạc và những tố cáo sai sự thật trong nhiều bài viết đăng trên Internet. Những bài viết này là bàn về vai trò của đảng CSVN, tham nhũng và căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc.

______

 


Thông cáo báo chí của Dân biểu Quốc hội CHLB Đức ông Martin Patzelt

23-9-2016
 
Bà Lê Thị Minh Hà, vợ Anh Ba Sàm, trong một cuộc gặp nói chuyện với ông Dân biểu Martin Patzelt tại Quốc hội CHLB Đức ngày 07.09.2016

23.09.2016

Việt Nam: Nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Hữu Vinh không được xét xử công bằng trong phiên tòa phúc thẩm

Tôi rất tiếc rằng nguyên tắc nhà nước pháp quyền lại một lần nữa không được áp dụng trong phiên tòa phúc thẩm (xem thông cáo báo chí của tôi ngày 13.09.2016) xét xử nhà hoạt động nhân quyền và là Blogger Nguyễn Hữu Vinh cũng như nữ đồng sự Nguyễn Thị Minh Thúy. Cả hai bản án sơ thẩm được quyết định y án một cách sai trái. Về cáo buộc lợi dụng quyền tự do dân chủ thì cả hai người bị kết án đều thấy mình vô tội. Phiên tòa xét xử không được thực hiện một cách công bằng, vì Kiểm sát viên lẫn các luật sư đều không được phép trình bày đầy đủ tất cả những lý lẽ, chứng cứ của mình.

Giờ đây bản án có nghĩa rằng, sau khi khấu trừ thời gian bị giam giữ điều tra thì ông Nguyễn Hữu Vinh còn phải ngồi tù 2 năm rưởi nữa và nữ cộng sự của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, còn 6 tháng nữa.

Niềm hy vọng về một bản án công bằng đã bị tan vỡ. Để đề phòng, tòa án được phong tỏa với khoảng cách xa, nhằm giữ không cho những người biểu tình đến gần tòa án. Vì thế hàng chục người bạn phải biểu tình ở những chỗ khác nhau, cách xa tòa án.

Luôn luôn tôi vẫn tin chắc rằng, với những việc làm mà bị tòa án buộc tội, ông Nguyễn Hữu Vinh không hề làm gì gây nguy hại cho quê hương Việt Nam, mà ông chỉ quan tâm đến sự phát triển thịnh vượng và thuận lợi cho đất nước theo quan điểm của ông.

Tôi sẽ tìm cách đi thăm ông trong nhà tù trong năm tới và tiếp tục tranh đấu để ông Vinh được trả tự do. Những người mà cam chịu hiểm nguy và đau khổ để đấu tranh cho phẩm giá và quyền hạn của chúng ta, thì họ xứng đáng được chúng ta cảm ơn và mọi sự hỗ trợ như có thể được.

 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire